Quần thể kiến trúc nhà tây – ấn tượng kiến trúc độc đáo
Quần thể kiến trúc nhà tây – ấn tượng kiến trúc độc đáo
Theo kết quả kiểm kê của Bảo tàng Bạc Liêu, hiện trên toàn tỉnh có 21 ngôi nhà cổ được đưa vào danh sách bảo tồn, còn phố cổ thì đang trong giai đoạn khảo sát đánh giá.
Không giống với một số tỉnh, thành phố khác, Bạc Liêu hiện nay còn khá nhiều dinh thự, biệt thự xây theo kiến trúc phương Tây ở thị xã Bạc Liêu. Tại công viên hàng me có rất nhiều dinh thự, công sở trang nghiêm như: tòa hành chính, tòa án, dinh bố, nhà hội đồng Trạch… Quần thể kiến trúc nhà tây này đều được xây dựng từ các vật liệu xây dựng như: thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch… đều được chở từ Pháp qua.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có khá nhiều khu biệt thự, nhà cổ không thua kém gì so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Những ngôi nhà cổ này hầu hết được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Những nét đường bệ, cổ kính vẫn còn đó như chứng nhân của lịch sử, minh chứng cho sự phồn vinh của xứ Bạc Liêu một thời nổi tiếng là vùng đất nhiều sản vật nhứt nhì lục tỉnh Nam kỳ. Thông qua những nét kiến trúc, kết cấu, hoa văn, họa tiết…của những ngôi nhà cổ này, chúng ta sẽ thấy được các giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của dân tộc. Thời gian trôi qua với bao thăng trầm thế sự.
Người xưa đã khuất, các ngôi nhà cổ, phố cổ Bạc Liêu thì đang bị mai một dần bởi sự tàn phá của thời gian và sự vô tình của con người. Để kịp thời giữ gìn những vốn cổ, bảo tồn phát huy giá trị của các nhà cổ, phố cổ trên địa bàn tỉnh, Ban giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đã chỉ đạo Bảo Tàng tỉnh phối hợp với các tổ chức, cá nhân hữu quan tiến hành kiểm kê thực trạng, lập hồ sơ chi tiết từng ngôi nhà cổ, phố cổ của tỉnh để có kế hoạch trình UBND tỉnh cho phép trùng tu, tôn tạo phục vụ cho yêu cầu phát triển.
Các ngôi nhà tây này đều có kiến trúc của những năm đầu thế kỷ 20, mỗi nhà đều có không gian thoáng đãng xung quanh, phần đằng trước đối xứng nhau, mái lợp ngói hình bát giác, các xà nối ngang như chùa, bên trong nhà thường là những hành lang, vòm trần cao vút. Vì vậy, quần thể kiến trúc nhà tây ở Bạc Liêu mang một sắc thái riêng khác hẳn những nhà biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt…. Theo các nhà nghiên cứu thì lịch sử kiến trúc Pháp tại Việt Nam được phát triển qua 3 giai đoạn. Thời kỳ đầu từ 1860 đến 1880 là thời kỳ kiến trúc hàng hải và quân sự.
Thời kỳ này, chỉ có những kỹ sư quân sự mới được thiết kế đồ án xây dựng. Giai đoạn 2 từ 1880 đến 1920, với các công trình của các kiến trúc sư được đào tạo từ trường mỹ thuật Pari. Thời kỳ này, kiến trúc mang phong cách Pháp được thay đổi để phù hợp với khí hậu ở Việt Nam vốn khác biệt hoàn toàn với khí hậu của nước Pháp. Giai đoạn 3 từ 1920 đến 1945, các kiểu kiến trúc từ nhiều, vùng miền nước Pháp được các kiến trúc sư Việt Nam vận dụng, thay đổi biến thành những kiến trúc Tây nhưng mang đậm phong cách địa phương.
Theo kết quả kiểm kê của Bảo tàng Bạc Liêu, hiện trên toàn tỉnh có 21 ngôi nhà cổ được đưa vào danh sách bảo tồn, còn phố cổ thì đang trong giai đoạn khảo sát đánh giá. Những ngôi nhà cổ, phố cổ hiện nay do cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng. Hầu hết các căn nhà cổ, phố cổ Bạc Liêu đều được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc theo giai đoạn 1880 đến 1920 và giai đoạn từ 1920 đến 1945, nghĩa là kiến trúc của các loại nhà cổ Bạc Liêu hầu hết đều theo phong cách Pháp nhưng vẫn pha trộn các kiểu kiến trúc khác như Hoa, Việt đồng thời phù hợp với điều kiện của đặc thù của khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất cuối trời Tổ quốc.
Chúng ta điều biết, Bạc Liêu có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp lúc bấy giờ. Trong một báo cáo cho Thống đốc Nam kỳ vào năm 1882, vị quan chủ tỉnh Lamothe de Carrier cho rằng: “…trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì, nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất của Nam kỳ, sau Sài Gòn”. Khi Bạc Liêu thành lập tỉnh năm 1882, chính quyền lúc bấy giờ đã tiêu tốn khá nhiều tiền để xây cất dinh thự, công sở làm việc như Tòa bố Pháp (nay là trụ sở Nhà thiếu nhi và Hội Cựu TNXP), Tòa Tham biện Pháp (nay là Hội Văn học nghệ thuật),…. Cùng với chính quyền, xứ sở Bạc Liêu còn hình thành khá nhiều biệt thự, nhà cao cấp được các địa chủ, điền chủ, tư sản của địa phương xây cất theo lối kiến trúc phương Tây.
Đó là những tòa nhà dọc dài theo bờ sông Bạc Liêu như nhà Ông Vưu Tụng (Huyện Sổn) xây năm 1906, nhà công tử Bạc Liêu xây dựng năm 1919, nhà Ông Trương Xuân xây dựng vào đầu thế kỷ XX; nhà Ông Võ Văn Giỏi (nay là Thư viện tỉnh) xây dựng năm 1930; xa xa bên kia bờ sông có nhiều căn nhà Tây nhưng mang nhiều nét Á Đông như nhà Ông Cao Triều Chánh (trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũ) xây dựng năm 1930, nhà Bà Chung Tố Anh xây dựng năm 1913, nhà Ông Cao Triều Phát (nay là Trung tâm Y học dự phòng thành phố Bạc Liêu) xây dựng năm 1938, nhà Ông Cao Triều Trực (nay là Phòng Y tế thành phô Bạc Liêu) xây dựng năm 1925, đặc biệt có phủ thờ dòng họ Cao sang trọng, cổ kính vang tiếng một thời được xây dựng năm 1879.
Người ta không quên những ngôi nhà Tây có kiến trúc đẹp như nhà luật sư Lý Bình Huê (nay là Tòa soạn Báo Bạc Liêu) xây dựng trước 1945, nhà Chánh Tòa (nay là CLB hưu trí) xây dựng năm 1910, đặc biệt là ngôi nhà của Ông Trần Văn Chương, thân phụ của Bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của Ông Ngô Đình Nhu, cố vấn của chính phủ Ngô Đình Nhiệm xây dựng từ năm 1916. Đến bây giờ người ta vẫn không biết đích xác những ngôi nhà này tiêu tốn bao nhiêu tiền của khi xây dựng, chỉ biết rằng, toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch, gạch lát nền, gạch xây… đều được chuyên chở từ Pháp qua, chỉ những ngôi nhà xây dựng những năm 30, 40 mới sử dụng gạch Phú Hữu (Đồng Nai), nhưng dây chuyền công nghệ để làm nên gạch này cũng do người Pháp lắp đặt nên. Chính điều này đã tạo nên cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng.
Điều đáng nói là ngoài vật liệu xây dựng, các kiến trúc sư người Pháp cũng như người Việt lúc bấy giờ đã biết khai thác triệt để các yếu tố thiên nhiên như cây xanh, ánh nắng, hướng gió, nhiệt độ, không gian, để tạo nên khung cảnh thật hài hòa cho ngôi nhà. Đa số các ngôi nhà Tây xưa đều có không gian khoáng đãng, dù là mùa nào vẫn cảm thấy thoáng mát, dễ chịu, khắc phục được cái oi bức mùa hè. Đa số các ngôi biệt thự này dù lớn, dù nhỏ chí ít phải có trên vài chục cửa sổ, cửa ra vào.
Mặt khác với nét kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố hiện đại và truyền thống hình thành cái độc đáo vừa tây, vừa ta. Đó là nét đường bệ, nền đúc cao, quét vôi vàng đặc trưng tây nhưng vẫn mang đậm đường nét của kiến trúc Hoa với 3 gian, 2 chái được cải tiến, sảnh giữa nhà thường để bộ trường kỷ tiếp khách, có các phù điêu đắp cột, bao lam, tuy gờ tường rất tây nhưng cửa ra vào, hương án, bình phong bằng gỗ cẩm lai, lim đen rất cổ kính, bên trong nhà thường xuất hiện những hành lang, vòm trần cao vút, các hoa văn trên vòm trần một số ngôi nhà vẫn còn giữa nguyên với màu sắc tươi tắn nguyên bản.…Những đặc trưng nhà Tây này đã làm cho quần thể kiến trúc nhà xưa Bạc Liêu mang một sắc thái khác hẳn những “dấu ấn Tây” ở Sài Gòn, Hà Nội.
Đối với một số ngôi nhà được xây dựng vào những thập niên đầu thế kỷ XX, như nhà Hội đồng Trạch (1919), Chánh Tòa (1910), nhà luật sư Lý Bình Huê (trước 1945), nhà Ông Võ Văn Giỏi (1930), nhà Hội đồng Phến (1910), nhà Ông Cao Triều Phát (1938)…đã bớt câu nệ những chi tiết, những mô phỏng cổ. Chủ nhân của những ngôi nhà này lại là lớp trí thức “Tây học” nên cách xếp đặt, bài trí cũng khác hơn, mới hơn. Họ đã chú ý đến sân thượng, ban công, cách bố trí xếp đặt phòng khách, phòng ngủ, nhà ăn, nhà bếp. Đặc biệt xây dựng hồ nước cũng khác hơn. Chuyện Hội đồng Trạch cho xe kéo chở nước xài cho con mình mãi tận Giá Rai, có lẽ là chuyện thật để nói lên lối kiến trúc mới. Giai thoại về ăn chơi của xứ “công tử Bạc Liêu” không những tạo cái mác giàu sang mà còn khoác lên cho những dinh thự, nhà cửa của xứ đất này một bí ẩn khác lạ.
MỘT SỐ TOUR DU LỊCH THAM KHẢO:
1. Tour du lịch Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cần Thơ 3 ngày 3 đêm
2. Tour du lịch Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cần Thơ 4 ngày 4 đêm
3. Tour du lịch Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau 4 ngày 3 đêm