Cẩm nang du lịch Sóc Trăng từ a đến z – Du Lịch cùng Thủ Đức Travel
Cẩm nang du lịch Sóc Trăng từ a đến z – Du Lịch cùng Thủ Đức Travel
Sóc Trăng nổi tiếng với các ngôi chùa độc đáo như chùa chén kiểu, chùa dơi, và các lễ hội như đua ghe ngo, Lễ hội Ok om bok, các món ăn đặc sản như Bún nước lèo, Bánh Pía… của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng với người Chăm bản địa, với một nền văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt.
Sóc Trăng là sự kết hài hòa văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng với người Chăm bản địa, sự đa dạng văn hóa đã tạo nên sự hấp dẫn của Sóc Trăng, Sóc Trăng là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu bạn có ý định đến Sóc Trăng có thể tham khảo những kinh nghiệm đi du lịch Sóc Trăng dưới đây.
1. Tổng quan về du lịch Sóc Trăng.
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long thuộc Việt Nam, nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 231 km, cách Cần Thơ 62 km. Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hạ nguồn của sông Hậu, là nơi sông Hậu đổ vào biển Đông tại hai cửa Định An và Trần Đề, với dân số và diện tích đều đứng thứ 6 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh’leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là “xứ”, “cõi”, Kh’leang (ឃ្លាំង) là “kho”, “vựa”, “chỗ chứa bạc”. Srok Kh’leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là “Sốc-Kha-Lang” rồi sau đó thành Sóc Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng bị đổi là Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang).
Đại Nam nhất thống chí viết về sông Ba Xuyên thuộc địa bàn tỉnh An Giang nhà Nguyễn như sau: “… Sông Ba Xuyên ở phía Nam hạ lưu sông Hậu Giang, cách huyện Vĩnh Định 8 dặm về phía Bắc, trước là sông Ba Thắc, rộng 15 trượng sâu 8 thước, đi về phía Nam 15 dặm, đổ ra cửa biển Ba Xuyên, đi về phía Tây 60 dặm đến trường Tàu, tức là chỗ tàu biển đỗ. Ở đây người Trung Quốc và người Cao Miên ở lẫn lộn, chợ phố liên tiếp, lại 65 dặm đến ngã ba sông Nguyệt, tục gọi là Sóc Trăng,… Năm Kỷ Dậu (1789) hồi đầu thời trung hưng đặt bảo Trấn Di ở phía Bắc sông Ba Thắc, tức sông này.
Sóc Trăng nổi tiếng là điểm du lịch hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước khi đem đến cho du khách những trải nghiệm miền quê mới lạ. Khi tới đây, ngoài được tham quan những ngôi chùa nổi tiếng, những địa danh có cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, những lễ hội độc đáo, du khách còn có cơ hội được thỏa thích thưởng nghiệm trái cây tươi ở những miệt vườn đầy nắng.
2. Phương tiện di chuyển khi đi du lịch Sóc Trăng.
Từ Hà Nội: Bạn có thể đi máy bay, tàu hỏa hoặc xe khách vào Thành Phố Hồ Chí Minh sau đó theo sự chỉ dẫn đường đi Thành Phố Hồ Chí Minh – Sóc Trăng sẽ thuận tiện hơn. Đến thành phố Hồ Chí Minh các bạn có thể đi:
Từ Thành Phố Hồ Chí Minh:
+ Xe khách đi Sóc Trăng: Các bạn thể mua vé xe ở bến xe miền Tây, địa chỉ 395 Kinh Dương Vương, An Lạc, Quận Bình Tân, Tp HCM. Giá vẻ dao động từ 160.000 – 200.000 VNĐ, thời gian đi khoảng 4-5 tiếng. Bạn nên chọn các hãng xe có tiếng như Phương Trang hay Mai Linh để đảm bảo chất lượng về dịch vụ.
+ Du lịch Sóc Trăng bằng phương tiện cá nhân: Nếu sử dụng phương tiện cá nhân là xe ô tô riêng hay xe máy đi Sóc Trăng bạn có thể đi từ Sài Gòn – Long An – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang, qua cầu Cần Thơ rẽ trái, chạy thêm 67km nữa là tới Sóc Trăng.
3. Những điểm tham quan khí đến du lịch Sóc Trăng.
Sau đây là gợi ý một vài điểm đến nổi tiếng mà bạn không nên bỏ qua khi đến Sóc Trăng:
Cũng là một tỉnh thuộc miền sông nước nên Sóc Trăng có chợ nổi Ngã Năm cực kì nổi tiếng. Nơi đây là phiên chợ trên sông có vị trí cực kì thuận lợi, là giao điểm của năm con sông tỏa ra năm ngả: Cà Mau Lên, Vĩnh Quới vào. Long Mỹ, Thanh Trị qua và Phụng Hiệp xuống. Cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 60km, chợ nổi Ngã Năm là một trong những nơi đậm nét văn hóa vùng sông nước Nam bộ.
Chợ nổi thuộc thị trấn Ngã Năm, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng, nơi đây buôn bán đầy đủ mọi thứ, nhất là những hoa quả đặc sản miền sông nước. Tới với nơi đây du khách sẽ được thưởng thức về những đặc sản cũng như hiểu thêm về cuộc sống con người nơi đây.
Không chỉ hòa mình vào hoạt động buôn bán tấp nập trên sông, bạn còn được quan sát cảnh sinh hoạt của những cư dân bản địa. Đời sống nơi đây thường khiến người lần đầu đến sông nước miền Tây cảm giác tò mò.
Khi chợ kết thúc, những chiếc ghe lại len lỏi vào kênh rạch khắp nơi để bán lẻ hoặc tấp vào bờ, chuẩn bị cho phiên chợ ngày sau.
3.2. Chùa Dơi.
Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu cho kiến trúc của đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng. Chùa Dơi nằm tọa lạc tại số 73B đường lê Hồng Phong, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Kiến trúc của chùa được coi là tiêu biểu cho kiến trúc của dòng Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ và chùa được xây từ khoảng thế kỉ XVI cho đến nay vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn vẻ đẹp của nó.
Chùa Dơi Sóc Trăng còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp) là quần thể kiến trúc đẹp mắt, và là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh. Sỡ dĩ có tên như vậy vì khuôn viên chùa là nơi sinh sống của bầy dơi đông đúc.
Ban ngày, đàn dơi treo mình lủng lẳng trên các cành cây như những chùm trái chín. Khoảng 6h chiều, chúng bay đi kiếm ăn và quay về vào khoảng 5h sáng hôm sau. Và kỳ lạ thay, khi bay đàn dơi lượn vòng chứ không bay thẳng qua nóc ngôi chính điện của chùa…
Cảnh quan phía trong chùa được thiết kế cực kì hòa hợp giữa chùa và không gian phía ngoài. Đặc biệt khi tới đây du khách sẽ thấy hàng ngàn con dơi khá lớn treo mình trên trên cây ở khuôn viên chùa.
Đến chùa Dơi Sóc Trăng tìm lời giải đáp “bí ẩn” ngàn năm.
3.3. Bảo Tàng Khmer- Một Trong Những Địa Điểm Du Lịch Sóc Trăng Không Nên Bỏ Qua.
Nếu có dịp đến với Sóc Trăng thì nhất định đừng bỏ qua nơi này, ghé thăm nơi đây bạn sẽ phần nào hiểu được về nét đẹp văn hóa của dân tộc Khmer.
Bảo tàng Khmer có vị trí ở phường 6, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một công trình được xây dựng theo kiến trúc của chùa Khmer và phía bên trong thì chứa nhiều hiện vật phản ánh đời sống tinh thần cũng như đời sống thường nhật phong phú, đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra nơi đây còn trưng bày các các loại trang phục, nhạc cụ,…cực kì đặc sắc.
Có thể nói, những hiện vật phong phú ở Bảo tàng Khmer Sóc Trăng như kể cho du khách nghe những câu chuyện ly kỳ về một nền văn hóa còn ẩn chứa nhiều bí ẩn. Đây sẽ là dịp để du khách hiểu hơn về cộng đồng người Khmer, một bộ phận dân cư quan trọng của tỉnh Sóc Trăng. Nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Nếu bạn là một người ưa thích khám phá những giá trị văn hóa hay đơn giản là chưa có hiểu biết gì đối với dân tộc Khmer thì đây là nơi bạn nên ghé qua.
3.4. Vườn Cò Tân Long.
Miền Tây trù phú thường chở che nhiều vườn chim ríu rít. Song, nếu bạn muốn biết họ nhà cò ghen tuông, sống có tình ra sao, nên về thăm vườn cò Tân Long.
Vị trí: Vườn cò này thuộc xã Long Bình, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng; cách thị trấn Phú Lộc 17km (theo tỉnh lộ 42).
Đặc điểm: Gần ba mươi năm, nơi đây hình thành một sân chim với hàng ngàn con cò sống trên những cây tre, cây dừa quen thuộc của gia đình ông Huỳnh Văn Mười. Với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, Sóc Trăng là nơi thích hợp cho nhiều loài động thực vật phát triển, đặc biệt nơi đây còn có vườn cò Tân Long là nơi sinh sống của rất nhiều loại cò quý hiếm.
Từ thị trấn Ngã Năm, thuộc huyện Ngã Năm, Sóc Trăng, bạn đi dọc theo tỉnh lộ 42 tráng nhựa phẳng phiu khoảng 5km, sẽ đến vườn cò Tân Long ở ấp Tân Bình, xã Long Bình. Đồng hành, có dòng kênh uốn lượn theo tỉnh lộ 42 chở nặng phù sa, tỏa hơi nước mát rượi. Vị trí vườn cò này rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, bằng đường thủy cũng như ô-tô. Vườn cò Tân Long do gia đình ông Huỳnh Văn Mười quản lý. Đến với nơi đây bạn có thể cảm nhận được không gian yên bình, thư thái với diện tích 1,5 ha. Nhiều loài chim, cò tại đây như: cò gà, cò trắng, cò trâu, cồng cộc,…chung sống hòa thuận tại nơi này. Hàng ngày cứ lúc bình minh hay hoàng hôn thì vườn cò này lại ríu rít bởi tiếng chim, tiếng cò sải cánh bay đi, trở về.
Ngoài ra khi đến với nơi đây bạn còn có thể được thưởng thức nhiều món đặc sản dân dã của Sóc Trăng hay miền sông nước nói chung. Hiện vườn cò Tân Long ở xa thị tứ, nên khách đến tham quan còn thưa thớt. Thỉnh thoảng, có vài nhóm khách khách Nhật, Pháp, Mỹ, Úc… đến đây, đa số là tây ba lô. Do vậy việc kinh doanh du lịch, chưa là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Mười. “Nhưng việc chăm sóc và nghe chúng nói chuyện mỗi ngày là niềm vui tuổi già của tui”, ông Mười tâm sự.
3.5. Chùa Chén Kiểu.
Chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu) – Sóc Trăng: Chùa Sà Lôn, một trong những ngôi cổ tự có nét kiến trúc độc đáo, tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng Bạc Liêu.
Chùa có tên Khmer là Wath Sro Loun, để dễ phát âm nên từ Sro Loun được đọc chại thành Sà Lôn. Sro Loun có nguồn gốc từ chữ Chro Luong – là tên của 1 con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa. Điều làm nên sự đặc biệt của ngôi chùa này so với những ngôi chùa khác ở Sóc Trăng là dù cũng được thiết kế theo kiến trúc chùa Khmer nhưng những chén, đĩa sứ đầy màu sắc, hoa văn được ốp lên tường trang trí ở nơi đây. Vì được xây theo kiến trúc Khmer nên mái chánh điện nơi đây cũng được xây theo dạng tam cấp và sơn màu vàng.
Đến với chùa Chén Kiểu, ngoài việc ngắm nhìn kiến trúc độc đáo của chùa, tìm hiểu văn hóa người Khmer, du khách còn có thể chiêm ngưỡng một phần gia sản của công tử Bạc Liêu – người nổi tiếng một thời của vùng lục tỉnh, đó là chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ Trường kỷ cùng 02 chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè, được nhà chùa mua lại vào năm 1947, với giá lúc bấy giờ là trên 2.000 giạ lúa. Số đồ này được xem là những món đồ cổ quý giá, được làm từ loại gỗ tốt, cẩn xà cừ và chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ. Có người đã trả giá khá cao để mua số đồ này nhưng chùa không bán.
Có dịp đến Sóc Trăng, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Sà Lôn để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của đồng bào Khmer Nam Bộ, đặc biệt có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống.
Sở dĩ gọi là chùa Đất Sét vì trong chùa có rất nhiều tượng Phật làm bằng đất sét, cột chùa cũng bằng đất sét. Độc đáo hơn nơi đây còn có 8 cây đèn cầy nặng tổng cộng 1,4 tấn. Chùa Đất Sét nổi tiếng gần xa với 1901 pho tượng Phật, trên 200 linh thú, bảo tháp, lư hương,.. làm bằng đất sét tại đây cùng với những cây nến nặng 200kg có thể cháy hàng chục năm. Tháp Đa Bảo tại đây cao tới 13 tầng, mỗi tầng thì có tới 16 cửa, mỗi cửa sẽ được đặt một tượng Phật. Ngoài ra còn có Tháp Bảo Tòa và nhiều công trình khác tại đây.
Nhìn bề ngoài, Chùa Đất Sét giống như các ngôi nhà dân khác. Ngôi nhà không lớn, mái lợp tôn, vách ván, khung bằng gỗ dầu, gỗ đước, mặt trước chùa quay vào trong, phía sau chùa quay ra đường. Với kiến trúc hình chóp nhọn phía trên và mái thấp xòe ra như cánh dù phía trước, tạo cho chùa có 2 tầng mái, tầng dưới khá hấp dẫn. Chánh điện nằm sâu bên trong, tính từ cửa chính vào. Sau đó là các gian thờ Phật mẫu Diêu Trì, Ngọc Hoàng thượng đế….
Trải qua bao năm tháng, ngôi chùa có nhiều hiện vật bi xuống cấp do ý thức giữ gìn của một số du khách chưa cao. Do ông Ngô Kim Tòng khéo tay, các tượng “đất sét do ông nặn ra khá tinh xảo lại được sơn phủ bên ngoài bằng sơn, kim nhũ nên các hiện vật trông rất giống đồng thao, thạch cao hay xi măng. Có nhiều du khách hiếu kỳ đã bẻ gãy hiện vật để xác định xem tượng làm bằng vàng!!!!! hay đất sét. Trên các đôi đèn sáp thì có “hằng hà sa số” vết vân móng tay của du khách như ghi dấu lại kỷ niệm của những lần viếng thăm.
Ngôi chùa Kh’leang có địa chỉ tại số 71 đường Mậu Thân, khóm 5, phường 6, thành phố Sóc Trăng. Đây là ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, có tuổi thọ lên tới gần 500 năm khi được xây vào khoảng năm 1553.
Nơi đây ngoài là nơi cử hành các nghi lễ tôn giáo, đây còn là nơi lưu giữ nhiều giáo lý nhà Phật, nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hóa mang tính đặc trưng của dân tộc Khmer. Theo tương truyền thì lúc đầu chùa được xây dựng bằng vật liệu tre, gỗ, lá, từ nguồn đóng góp của các lưu dân trong vùng.
Chùa Khléang (hay Kh’leang, Khleng) là một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ, hiện tọa lạc ở số 53 Đường Tôn Đức Thắng, Phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Đây là một di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 84/QĐ-BVHTT ký ngày 27 tháng 4 năm 1990 của Bộ Văn hóa và Thông tin.
Hàng năm, bên cạnh các lễ hội tôn giáo, chùa Khléang còn tổ chức các lễ truyền thống của dân tộc Khmer, như lễ Chol Chnam Thmay (lễ vào năm mới, còn gọi là lễ chịu tuổi), lễ Dolta (lễ cúng ông bà), lễ cúng trăng vào ngày 15-10 âm lịch và tổ chức đua ghe ngo…
3.8. Di Tích Khu Căn Cứ Tỉnh Ủy Sóc Trăng.
Khi nhắc tới những địa điểm du lịch Sóc Trăng nổi tiếng thì đây là một di tích lịch sử bạn nên ghé qua. Căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng nằm trong một khu rừng tràm thuộc xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
Khu căn cứ này được xây từ những năm kháng chiến chống Pháp với diện tích lên tới 310 ha. Đây là một trong những căn cứ địa quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến dân tộc. Nơi đây được bao phủ bởi hệ thống cây cối, kênh rạch chằng chịt.
Phía trong khu căn cứ bao gồm nhiều hạng mục như phòng hội nghị, hầm, lán trại của quân y, điện đài, bảo vệ,…Đây chính là một địa điểm du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến của dân tộc.
Hiện nay, Khu căn cứ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là điểm đến thường xuyên của học sinh, sinh viên trong các buổi sinh hoạt về nguồn. Đặc biệt, Di tích còn là 1 trong 18 điểm du lịch của tỉnh, phục vụ du khách tham quan và tìm hiểu về lịch sử.
Nhắc tới miền sông nước không thể bỏ qua những cồn giữa sông với đủ loại cây trái. Cồn Mỹ Phước là một trong những nơi nổi tiếng nhất ở Sóc Trăng. Cồn Mỹ Phước nằm gần cuối hạ lưu sông Hậu, thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Đường đến cồn Mỹ Phước khá thuận tiện, du khách có thể đi theo 1 trong 2 tuyến đường sau:
Phương tiện di chuyển tới Cồn Mỹ Phước.
Tuyến thứ nhất: Từ TP. Sóc Trăng đi theo quốc lộ 1A về phía tây bắc khoảng 6km đến ngã ba An Trạch, rẽ phải đi theo tỉnh lộ 1 khoảng 12km đến huyện Kế Sách. Tiếp tục đi theo tỉnh lộ 5 khoảng 10km đến bến phà Nhơn Mỹ rồi qua sông 1km là đến cồn Mỹ Phước.
Tuyến thứ hai: Từ TP. Sóc Trăng đi theo quốc lộ 60 về phía đông bắc khoảng 18km đến xã Đại Ngãi, rẽ trái theo hương lộ 11 khoảng 6km đến bến đò xã Song Phụng (huyện Long Phú) rồi qua sông 1,5km là đến cồn Mỹ Phước.
Nằm giữa Sông Hậu, thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ, nơi đây có đủ loại trái cây từ sầu riêng, cam quýt tới hồng xiêm, xoài, nhãn,… Tới với nơi đây du khách có thể tha hồ thưởng thức trái cây tươi ngon ngọt mát ngay tại vườn cùng với những món ăn đặc sản dân dã nơi đây. Những ngày cuối tuần được cùng bạn bè tụ tập vui chơi, hái trái cây ngay tại cồn giữa sông cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.
Với vị trí địa lý thuận lợi, phong cảnh đẹp, cồn Mỹ Phước đã được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2008. Đây chính là động lực để chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục cố gắng phát huy các lợi thế của địa phương, đưa cồn Mỹ Phước trở thành điểm đến du lịch sinh thái tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng.
Về thăm chùa Phật học Sóc Trăng: Ngôi chùa KHÔNG ĐỐT VÀNG MÃ, gửi xe MIỄN PHÍ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Dù không được nhắc đến nhiều trong danh sách những ngôi chùa nổi tiếng Sóc Trăng nhưng người dân địa phương cũng như du khách nước ngoài lại rất thích tới vãn cảnh, chiêm bái.
Trung tâm Từ thiện Văn hóa Tâm linh Phật giáo Sóc Trăng, còn được gọi là chùa Phật học 2, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5km theo tuyến đường Phạm Hùng (về hướng huyện Long Phú), thuộc địa bàn phường 5, thành phố Sóc Trăng. Năm 2011 Chùa Phật học 2 được khởi công xây dựng với diện tích ban đầu là 1,5 ha, đến nay được mở rộng ra 8,5 ha, bao gồm rất nhiều công trình, hạng mục hoành tráng như nhà giữ xe hàng ngàn m2, dãy phòng khách, mỗi phòng sức chứa 15 người được trang bị mái lạnh cửa gỗ kín đáo sạch sẽ dành cho khách thập phương nghỉ ngơi, lưu trú qua đêm miễn phí, hàng trăm chiếc võng được bố trí dưới những tán cây dịu mát sẵn sàng phục vụ cho khách quá giang giấc nghỉ trưa.
Một điều mà khách thập phương rất dễ cảm nhận khi đặt chân đến ngôi chùa này chính là không gian yên tĩnh, dịu mát. Toàn bộ diện tích hàng chục ha của chùa được bố trí hài hòa, đẹp mắt nên được rất nhiều người yêu thích. Ngoài sự linh thiêng, trầm mặc, những công việc ý nghĩa, tốt đời đẹp đạo mà chùa Phật học làm được là điều khiến nhiều du khách có dịp đến Sóc Trăng đã nhất định phải ghé thăm nơi này.
3.11. Khu Du Lịch Sinh Thái Bình An Sóc Trăng.
Khi nhắc tới những điểm du lịch ở Sóc Trăng thì không thể nào không nhắc đến khu du lịch Bình An Sóc Trăng với những nét đặc trưng riêng hằng năm đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến đây. Nếu như bạn đã quá quen thuộc với những công trình mang đậm kiến trúc của người Khmer tại thì đây sẽ là nơi cho thấy sự phát triển, hiện đại của Sóc Trăng.
Nằm ven Quốc lộ 1A, ở số 71, phường 2, Thành phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng. Khu du lịch Bình An có diện tích vài ha là khu vui chơi, giải trí nổi tiếng ở Sóc Trăng, có nhiều nét tương đồng với công viên văn hóa Đầm Sen ở TP. HCM nhưng quy mô nhỏ hơn. Với các hoạt động vui chơi giải trí, kết hợp với không gian xanh, khu du lịch Bình An ở Sóc Trăng là điểm đến lý tưởng không chỉ cho khách du lịch mà còn cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Một điểm nổi bật ở khu du lịch Bình An Sóc Trăng nữa chính là vườn văn hóa ẩm thực Bình An, tại đây du khách tham dự các hoạt động văn nghệ, được nghe giọng hò miền quê Nam Bộ, chiêm ngưỡng làn điệu múa dân gian của đồng bào Khmer Sóc Trăng và hình ảnh thu nhỏ của miền cao nguyên với các nhà nghỉ thoáng mát trên lưng đồi được trang bị các thiết bị rất tiện nghi để phục vụ du khách. Hệ thống nhà hàng có nhiều món ăn mới lạ với các loại hải sản tươi sống và hương vị miệt rừng của các loại đặc sản vùng châu thổ.
Với loại hình du lịch không quá mới mẻ nhưng có những nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được khu du lịch Bình An ở Sóc Trăng ngày càng thu hút nhiều du khách đến đây tham quan. Nếu có dịp đến với Sóc Trăng bạn hãy ghé thăm và khám phá khu du lịch này nhé!
3.12. Khu Du Lịch Sinh Thái Hồ Bể.
Vào dịp hè đến, các điểm du lịch của tỉnh Sóc Trăng thu hút khá đông du khách đến tham quan và tìm hiểu, ngoài những điểm đến nổi tiếng như chùa Mahatup (chùa Dơi), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu),… còn có một điểm đến cũng thu hút nhiều khách du lịch, đó là bãi biển Hồ Bể (thuộc xã Vĩnh Hải, Thị xã Vĩnh Châu) một trong các dự án du lịch sinh thái đang được tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư.
Thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, Hồ Bể là một bãi biển vừa được khai phá giữa vùng trồng rừng phòng hộ ven biển. Bãi biển dài 5 cây số, vẫn còn mộc mạc, hoang sơ, cát mịn màng và sóng hiền hòa, rất thích hợp cho những chuyến thư giãn cuối tuần. Khu vực Hồ Bể còn là nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều giống loài thủy sản có giá trị. Từ lâu, khu vực này đã hình thành nên những bãi cua biển, nghêu, sò huyết giống… đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Sự phong phú về nguồn lợi thủy sản nơi đây luôn được gắn liền với công tác trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Du khách sẽ càng thích thú hơn khi được đi trong những cánh rừng xanh mát, được thỏa thích hít thở không khí trong lành và được tự tay mình bắt những con cua biển hay nghêu, sò huyết…
Tất cả sẽ tạo nên một chuyến du lịch hấp dẫn, chắc chắn làm hài lòng du khách. Hy vọng, dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Bể sẽ nhanh chóng được khởi động trong thời gian sớm nhất để phát huy hết tiềm năng của Hồ Bể, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
3.13. Công Viên Hồ Nước Ngọt Sóc Trăng.
Khu công viên văn hóa này rộng khoảng 20ha, trên đường Hùng Vương, thành phố Sóc Trăng. Bao gồm 2 hồ: hồ nhỏ còn được gọi là Hồ Tịnh Tâm từ những năm 60 theo nguyên bản Hồ Tịnh Tâm ở Đại hội Huế (vì ông tỉnh trưởng Ba Xuyên bấy giờ người Huế), hồ lớn được đào năm 1982 là công trình thủy lợi do hàng ngàn người dân Sóc Trăng đào thủ công.
Năm 2000, trong nỗ lực tạo một sân chơi lành mạnh cho sinh hoạt giải trí của người dân đồng thời cũng làm cơ sở tổ chức các sự kiện quan trọng của địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã cho thành lập Ban quản lý dự án Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt, tiến hành nâng cấp cải tạo, xây bờ kè, tráng nhựa đường nội bộ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, xây dựng các trung tâm hội chợ, triển lãm… và mở rộng diện tích đến 20ha, biến nơi đây thành một địa chỉ văn hóa thực sự trong đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Hồ Nước Ngọt đã trở thành điểm đến thân quen của mọi người khi mỗi sáng nhiều bà con vào đây đi bộ, tập thể dục, lớp thanh, thiếu niên đến đây chơi thể thao, các em thiếu nhi đến đây giải trí sau giờ học với nhiều trò chơi hấp dẫn, người lao động đến đây để thư giản, hưởng chút không khí trong lành sau một ngày làm việc cật lực… Hiện đang có đề án mở rộng khu công viên này và đào thêm hồ.
Trong những năm gần đây, hồ còn được làm mới bằng việc lắp đặt hệ thống phun nước tự động kết hợp với ánh sáng nghệ thuật đã tạo nên những kiểu phun và mảng màu độc đáo, nhiều mô hình vui chơi, giải trí phù hợp với nhiều lứa tuổi… Hiện Ban Quản lý Khu văn hóa hồ Nước Ngọt đang có kế hoạch kêu gọi đầu tư nhằm triển khai những công trình mới như khu trò chơi điện tử giải trí, khu vườn thú, vườn thực vật… và tiếp tục hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Hy vọng Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt ngày càng được chăm chút, trở thành điểm đến thân thiện không chỉ của người dân Sóc Trăng mà còn của cả bạn bè đến từ khắp mọi miền đất nước…
3.14. Điểm Du Lịch Sinh Thái Mỏ Ó.
Về tỉnh Sóc Trăng, sau khi tham quan các điểm du lịch có tiếng như chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu, hồ nước ngọt,…. nhiều du khách được giới thiệu đến thăm khu du lịch sinh thái biển Mỏ Ó và Hồ Bể để chiêm ngưỡng, thả mình trong vẻ đẹp hoang sơ của những khu du lịch này.
Cách trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng khoảng 30 km về phía Đông Nam, nằm gần cửa sông Mỹ Thanh và Trần Đề thuộc khu vực biển Đông, thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề, nơi đây có diện tích rừng tự nhiên trên 260 ha, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim chóc, bò sát và hải sản quý hiếm (rắn, rùa, cua, cò, cá…). Đến Mỏ Ó, du khách có thể tung tăng đi trên bãi cát mịn màn trải dài hàng cây số hay thả hồn mênh mang theo con sóng dập dìu hoặc tắm nắng theo sở thích. Du khách có thể phóng tầm mắt nhìn những con thuyền nhấp nhô xa xa đang giăng lưới chập chờn bên sóng biển mênh mông xa tít chân trời…
Biển có bờ cát thoai thoải với nhiều cây xanh che bóng mát, du khách có thể tổ chức các môn thể thao biển như lướt ván, bóng chuyền, bóng đá, bi sắt, chạy việt dã thỏa sức… ngư trường nơi đây dồi dào tôm cá có thể giăng lưới, đẩy sịp bắt những con cá biển bằng thủ công hoặc khi nước rút có thể rượt bắt những con ba khía mập mạp, cá thòi lòi sần sùi nhưng ăn rất ngon và bổ dưỡng…. Du khách cũng có thể khám phá Mỏ Ó trên những chiếc xuồng ba lá luồn sâu trong khu rừng kỳ thú để chiêm ngưỡng phong cảnh hoang sơ của rừng thiên nhiên miền nhiệt đới ven biển. Ngồi trên xuồng, du khách sẽ được thư giãn dưới những tán cây xanh và ngắm nhìn thỏa thích hàng cây lớp lớp, với màu tím sặc sỡ của hoa bần trong không gian mát mẻ trong lành, tận tay hái trái bần chín mọng đem về nấu canh chua cơm mẻ.
Đến với khu du lịch sinh thái Hồ Bể, du khách có thể tìm hiểu các truyền thuyết về Cá Ông, về quận chúa Mỹ Thanh, thăm rừng phòng hộ, thăm giồng nhãn Vĩnh Châu, các ngôi chùa Khmer và những làn điệu dân ca, múa của dân tộc Kinh, Khmer, Hoa; tham quan điểm đón chiếc xà lúp chở 13 người tù chính trị Côn Đảo trở về đất liền ngày 23/9/1945, do Bác Tôn Đức Thắng cầm lái, đều thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải.
4. Những lễ hội tại Sóc Trăng.
Nếu có dịp đến Sóc Trăng vào dịp rằm tháng 10 âm lịch, đừng bỏ lỡ lễ hội Ok om bok (lễ cúng trăng, tạ ơn và cầu cho mùa màng tốt tươi theo tiếng Khmer) của người Khmer. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra hàng năm vào dịp rằm tháng 10 âm lịch. Lễ hội gồm hai hoạt động chính là thả đèn nước và đua ghe ngo.
Ngoài ra, còn có Lễ hội Cúng Phước Biển, một lễ hội truyền thống của đồng bào người Khmer được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 (âm lịch) hàng năm tại chùa Cà Săng (thị xã Vĩnh Châu) và Lễ hội Thác Côn độc đáo của đồng bào Khmer vùng An Trạch, còn lễ hội Cúng dừa được tổ chức hàng năm tại chùa Mahasal Thatmon, diễn ra vào các ngày 15, 16 và 17 tháng 3 âm lịch.
5. Các món ngon không thể bỏ qua khi đi du lịch Sóc Trăng.
Đã đến du lịch Sóc Trăng thì các bạn không nên bỏ qua những món ăn ngon đặc sản nổi tiếng nơi đây. Là một vùng giao thoa giữa các dân tộc, nên các món ngon Sóc Trăng cũng rất đa dạng và phong phú. Mỗi một dân tộc ở Sóc Trăng lại có những món ăn đặc sản dân tộc khác nhau, nhưng một số món bạn không nên bỏ qua khi đến đây gồm có:
Hủ tiếu cá: Đặc trưng của món ăn này là nước lèo được hầm bằng xương heo rất lâu. Không cho thêm dầu mỡ. Và hủ tiếu ở đây chỉ dùng cá chẻm lấy phần thịt kèm tôm, mực tươi và cật heo. Hủ tiếu cá Sóc Trăng có vị ngọt thanh tao của nước lèo, vị bùi béo và giòn sần sật của cật heo, thịt cá béo chắc thơm ngọt xen lẫn vị cay.
Bún gỏi dà: Là biến tấu của món gỏi cuốn với các thành phần chính như: tôm, bún, rau , giá… Và người dân nơi đây biến tấu bằng cách cho tất cả các nguyên liệu vào chung 1 tô, trộn với nước chấm rồi ăn như và (lùa) cơm. Người miền Nam phát âm “và” thành “dà”. Nên nó có tên gọi là bún gỏi dà.
Bánh pía: Là sự kết hợp độc đáo của ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực miền Tây. Bánh được làm từ bột mỳ, bên trong nhân sầu riêng, trứng muối hay các vị khác như khoai môn, đậu xanh,.. Bánh mềm, dẻo dẻo, thơm ngon ăn mãi mà không ngán.
Bánh cóng: Loại bánh này có rất nhiều tên gọi như sầy, sài, cống… Bánh cóng được làm từ bột gạo pha với đậu xanh và trứng, bên trong được bỏ nhân với thịt heo đã băm nhỏ tẩm ướp các gia vị đặc trưng. Bánh cóng ăn rất ngon nếu được ăn kèm với các loại rau sống của vùng như: Húng, xà lách, cải, gừng…
Mè Láo: Mè láo được làm từ khoai môn bào mỏng rồi đem phơi nắng khoảng 3 ngày. Khi ăn người ta cắt miếng khoai môn miếng hình chữ nhật rồi đem trộn với nước đường đã thắng thành kẹo, sau đó lăn qua vừng rang chín. Mè láo xốp, giòn tan có mùi thơm của mè và vị ngọt của lớp mạch nha bao bọc bên ngoài.
6. Ở đâu khi đi du lịch Sóc Trăng.
Sóc Trăng vẫn là một tỉnh có ngành du lịch còn khá đơn sơ, nên các nhà nghỉ, khách sạn Sóc Trăng tương đối ít và chất lượng chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, bạn nên đặt trước khách sạn để có thể tìm hiểu kỹ hơn về chất lượng và giá cả khách sạn mình chọn. Một số khách sạn bạn có thể tham khảo:
– Khách sạn Quê Tôi : 278 Phú Lợi, Phường 2, Sóc Trăng
– Khanh Hung Hotel Soc Trang : 17 Trần Hưng Đạo, phường 3, Sóc Trăng.
– Khách sạn Minh Phuong : 294 Phu Loi, phường 2, Sóc Trăng
– Khách sạn Ngọc Thu : Km 2127 quốc lộ 1A, xã An Hiệp, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng.
7. Mua gì về làm quà khi đi du lịch Sóc Trăng.
Đến Sóc Trăng ngoài các điểm tham quan hấp dẫn nêu trên bạn có thể ghé chợ Sóc Trăng ngay trung tâm thành phố để mua sắm nhiều mặt hàng độc đáo của 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer. Từ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho đến hải sản tươi sống, trái cây hấp dẫn cho đến các loại đặc sản như: bánh pía, lạp xưởng, mè láo, tôm khô, cá khô, xả pấu… Đảm bảo người thân và bạn bè của bạn sẽ thích mê những món quà này!
8. Du lịch Sóc Trăng vào dịp nào?
Thời tiết ở Sóc Trăng khá dễ chịu nên hầu như thời gian nào trong năm bạn cũng có thể đến Sóc Trăng. Khí hậu Sóc Trăng được chia thành 2 mùa: mùa khô và mùa mưa (mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 – tháng 10 và mùa khô kéo dài từ tháng 11 – tháng 4 năm sau). Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26 độ C và rất ít khi có bão lũ.
Thời điểm tốt nhất để bạn du lịch Sóc Trăng là vào khoảng tháng 10 âm lịch hằng năm. Tới đây vào dịp này bạn không chỉ được tham quan, khám phá những địa danh nổi tiếng với bầu không khí dễ chịu mà bạn còn được tham gia vào lễ hội Ooc-Om-Bok là lễ hội lớn nhất của cộng đồng người Khmer. Trong dịp diễn ra lễ hội bạn có thể tham gia hai hoạt động chính là đua ghe ngo và thả đèn nước.
– Bạn nên hỏi giá trước khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ.
– Mặc và mang theo quần áo đơn giản, gọn nhẹ. Mang theo đồ bơi nếu có ý định tắm biển. Mang theo áo khoác, mũ, kem chống nắng, kem chống muỗi và thuốc trị côn trùng nếu có ý định tham quan rừng.
– Nhớ giữ gìn trật tự và vệ sinh nơi công cộng bạn nhé.
MỘT SỐ TOUR DU LỊCH THAM KHẢO:
1. Tour du lịch Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cần Thơ 3 ngày 3 đêm
2. Tour du lịch Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cần Thơ 4 ngày 4 đêm
3. Tour du lịch Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau 4 ngày 3 đêm