Công Viên Xà No địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hậu Giang

8 Tháng Sáu, 2020
DU LỊCH TRONG NƯỚC

Công Viên Xà No địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hậu Giang

Kênh xáng Xà No đã được mệnh danh là con đường lúa gạo của miền Tây Nam Bộ vì giá trị kinh tế của mình. Xây dựng bên bờ kè kênh xáng Xà No, công viên Xà No cũng có thể xem là một trong những công viên dài nhất nước với giá trị thẩm mỹ cao, thu hút nhiều du khách ghé đến tham quan và chiêm ngưỡng.

Phần nền công viên lát gạch vỉa hè, khuôn viên trồng nhiều cây xanh như cau đỏ Java, dừa kiểng Philipines, hoa ban, hoàng hậu, liễu đỏ, bằng lăng…kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng đá trắng tạo nên nét hài hòa bên dòng kênh xáng. Buổi tối, hệ thống đèn chiếu sáng của công viên được bật lên khiến cả công viên sáng rực rỡ đầy sắc màu. Công viên Xà No mang một vẻ đẹp độc đáo, khiến bất cứ ai ngắm nhìn cũng phải ngỡ ngàng thán phục, nơi đây đang là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách nhất của Hậu Giang.

Khi Vị Thanh còn thuộc tỉnh Cần Thơ, con kinh “mặt tiền” chỉ là hai bờ đất với những căn nhà lá lụp xụp. Nhưng rồi, như “nàng tiên ngủ trong rừng”, kinh xáng Xà No đã được “chàng hoàng tử Hậu Giang” đánh thức khiến bất cứ ai cũng ngỡ ngàng thán phục vẻ đẹp của nó.Thật vậy, đứng bên bờ kè kinh xáng Xà No trên đường Trần Hưng Đạo của thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, không ai không bật thốt tiếng khen vẻ đẹp và nét thẩm mỹ của nó. 

Cái bờ kè dài khoảng 20 cây số chạy dài theo con kinh qua thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang này, đã “hớp hồn” khách phương xa không vì sự vững chãi, kiên cố của bờ kè xi măng cốt thép, mà còn vì vẻ thẩm mỹ của nó, ở đoạn thuộc khu vực thành phố Vị Thanh. Công viên Xà No là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hậu Giang, được xây dựng bên một con sông xinh đẹp, với bố cục đẹp mắt, công viên là điểm vui chơi và sinh hoạt cộng đồng ưa thích của người dân quanh đây.

Công viên Xà No địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hậu Giang.

Bên trên phần kè là công viên lát gạch vỉa hè với hệ thống bồn cây xanh mát mắt, những chiếc đèn đêm đêm làm đẹp, chiếu sáng công viên. Đáng chú ý là trong công viên này “ẩn chứa” nhiều bức tượng hiện đại, có giá trị thẩm mỹ khá cao. Chính vì vậy mà công viên bờ kè kinh xáng Xà No trên địa bàn thành phố Vị Thanh là điểm thư giãn, vui chơi, giải trí của nhiều tầng lớp thị dân. Giá trị đó đã thành hiện thực khi bờ kè kinh xáng Xà No đã được tỉnh Hậu Giang chọn làm một trong những công trình trong chuỗi sự kiện chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, với Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ I. 

Vì kinh xáng Xà No là một thủy lộ huyết mạch, là “con đường lúa gạo” của tỉnh Hậu Giang, của cả khu vực ĐBSCL. 

Ngày hai buổi nước lớn ròng, nhưng kinh xáng Xà No lúc nào cũng là “con nước lớn”, giúp đô thị non trẻ Vị Thanh ngày càng trở nên xinh lịch, là điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn thu hút khách phương xa. Trở về 100 năm trước, khi kinh xáng Xà No chưa khai sinh, dài theo con kinh hiện nay chỉ là vùng đất hoang vu, xóm làng thưa thớt, dân cư có cuộc sống tạm bợ, nghèo nàn, thất học. 

Nhận thấy vùng đất màu mỡ này sẽ đem lại giá trị kinh tế cao, để khai thác tài nguyên của nó, người Pháp đã tiến hành đào kinh. Nhà văn Sơn Nam trong quyển “Tìm hiểu đất Hậu Giang” cho biết việc đào kinh ở miền Tây Nam bộ, bắt đầu như sau: “Năm 1893, quan toàn quyền De Lanessan ra lệnh đấu thầu ở Paris. Công ty Montvenoux lãnh với giá đào 0$35 mỗi thước khối; tháng đầu đào 60.000 thước khối, năng suất ấy tăng đến 200.000 thước khối vào tháng thứ 25. Kinh chợ Rạch Giá được vét lại”. 

Sau đó, “bốn chiếc xáng hùng dũng kéo tới sóc Xà No (Cần Thơ) mở con kinh vĩ đại nối liền rạch Cần Thơ qua sông Cái Lớn, con đường chiến lược ấy khiến vịnh Xiêm La ăn thông đến Sài Gòn (…). Theo đó, mấy chiếc xáng “La”, xáng “Năn”, Mỹ Tho I, Mỹ Tho II rõ ràng là những con quái vật bằng sắt, khổng lồ, vô địch, ngày đêm gào thét cách 4, 5 ngàn thước còn nghe lồng lộng. Xáng Loire, xáng Nantes, mỗi chiếc mạnh 350 mã lực, gàu lớn 375 lít, có thể thổi bùn ra xa 60 thước, đào sâu tới hai thước rưỡi đến chín thước”. 

Ông cho biết thêm: “Từ năm 1901 đến 1903, kinh Xà No đào dứt, bề ngang trên mặt 60 mét, dưới đáy rộng 40 mét, tổn phí là 3.680.000 quan”. Kinh xáng Xà No dài 34 cây số, nối từ vàm xáng rạch Cần Thơ (một nhánh của sông Hậu) đến ngọn rạch Cái Tư (một nhánh của sông Cái Lớn).  Để phát huy tác dụng của kinh xáng Xà No, người Pháp tiếp tục cho đào các con kinh ngang vào đồng ruộng, cứ 500 thước là một con kinh nhỏ, 1.000 thước là con kinh lớn. Từ đó có các địa danh như: Một Ngàn, Bảy Ngàn, Bảy Ngàn Rưỡi, Mười Ngàn… thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. 

Cách đào kinh như vậy được “nhà văn Sơn Nam cho là “quả đấm chiến lược” về kinh tế và chính trị đối với người Pháp, bởi nó vừa biểu dương sức mạnh cơ khí của phương Tây; vừa mở ra một triển vọng mới trong công cuộc hình thành vựa lúa miền Hậu Giang”. Bí thư Thị ủy Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang Trịnh Quang Hưng, cho biết tiếp: “Đến năm 1910, ngoài những “điền Tây” có thêm nhiều làng mới hình thành, thu hút đông đảo dân cư về lập nghiệp, góp phần cho diện tích sản lượng lúa tỉnh Cần Thơ – Rạch Giá tăng vọt: tỉnh Rạch Giá với 142 ngàn mẫu, so với năm 1894 mới có 100 ngàn mẫu. 

Tỉnh Cần Thơ lên đến 171 ngàn mẫu, so với năm 1894 mới có 98 ngàn mẫu, cao điểm đến năm 1930. Rạch Giá trở thành tỉnh đứng đầu Nam Kỳ về diện tích, sản lượng; với 319 ngàn mẫu và 344 ngàn tấn lúa. Đáng kể là trước khi đào kinh Xà No, dân số tỉnh Rạch Giá khoảng 90 ngàn người, đến năm 1930 tăng đến 338 ngàn người, cao gấp 10 lần so với khi người Pháp mới đến (1867). 

Chỉ 4 năm sau khi đào kinh xáng Xà No, chính quyền Pháp lập thêm 3 huyện mới trong tỉnh Rạch Giá là Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng. 

Quận Châu Thành Cần Thơ ngày càng phát triển với quận lỵ là chợ Cái Răng vừa cận kề tỉnh lỵ; vừa là điểm đón đầu ghe, tàu từ kinh xáng Xà No lên”. Từ đó, kinh xáng Xà No nghiễm nhiên là “con đường lúa gạo”, bên cạnh khởi phát các giá trị mới về văn hóa, văn minh”… “Ngày nay, vị thế của kinh xáng Xà No càng được khẳng định, bởi sự gắn kết với nhiều dự án công trình phát triển Tiểu vùng Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau. 

Tất cả cho thấy một cách rõ nét: tính tất yếu về vai trò quan trọng của kinh xáng Xà No trong quá trình hình thành và phát triển miền Hậu Giang – Tiểu vùng Tây sông Hậu. Vị trí được khẳng định, vị thế kinh xáng Xà No ngày càng nâng lên. Có người gọi kinh xáng Xà No là “đường thủy chiến lược” là “quốc lộ trên sông” – nhưng trên hết, kinh xáng Xà No là “Con đường lúa gạo miền Hậu Giang”.

Cái tên kinh xáng Xà No ngày nay quá quen thuộc với bất cứ cư dân ĐBSCL nào. Nhưng về tên gọi này, theo những người lớn tuổi ở địa phương, thì tên gọi Xà No được đọc trại từ tên người Pháp chỉ huy xáng múc con kinh này, ông Saint-Tanoir. Nhưng theo nhà văn Sơn Nam thì cái tên Xà No bắt nguồn từ tiếng Khmer là “Srok Snor, xóm có cây điên điển”. Những năm đầu thế kỷ 21, khi Vị Thanh bắt đầu lên thành phố, công viên bên cạnh dòng kênh xáng Xà No được hình thành, mang cùng cái tên với con kênh song hành. 

MỘT SỐ TOUR DU LỊCH THAM KHẢO:

1. Tour du lịch Cà Mau 3 ngày 3 đêm – Về thăm đất mũi

2. Tour du lịch Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cần Thơ 3 ngày 3 đêm

3. Tour du lịch Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cần Thơ 4 ngày 4 đêm

4. Tour du lịch Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau 4 ngày 3 đêm

5. Tour du lịch Đồng Tháp – Châu Đốc – Hà Tiên – Cần Thơ 5 ngày 4 đêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *